Post

Học

Mạn bàn về sự học qua trải nghiệm của cá nhân mình - từ lúc làm giáo viên trong trường cấp II cho đến khi làm trưởng một bộ phận truyền thông trong doanh nghiệp

Quan niệm thông thường

Học từ hệ thống giáo dục

Trường học vốn sinh ra không phải để giáo dục trẻ em?

Đại dịch Covid vừa qua đã hé lộ rằng, mục đích đầu tiên của trường học không phải là giáo dục trẻ em, mà là trông chúng khi bố mẹ đi làm. Thị trường lao động và trường học là những điều liên quan chặt chẽ với nhau. Khi trường học đóng cửa, kinh tế bị ảnh hưởng. Việc trẻ có muốn đến trường hay không, không quan trọng bằng việc bố mẹ chúng cần phải đi làm. Đó là lý do mà chính phủ Anh băn khoăn và đóng cửa trường muộn hơn hết tất cả các nước châu Âu. Nguồn: Why it’s time to abolish schools

Angle Thiên thần học bài - ảnh mình chụp năm 2018

Hiện tại, trường học - là nơi nơi khởi đầu của cả thế giới. Với những tích luỹ kiến thức của nền văn minh nhân loại hiện tại (2024), mặt bằng nhận thức của một người bình thường cần có để tồn tại được cần có một điểm xuất phát rất cao. Từ ngôn ngữ, toán học, vật lý, triết học, tài chính, sinh học, địa lý.v.v. Chẳng ai trong số chúng ta có thể thấu triệt tất cả, nhưng biết một phần trong đó thì đều có thể. Và trường học giải quyết điều đó.

Ở thế kỷ 21, thời điểm mà công nghệ cũ bị thay đổi mỗi chu kỳ 6 tháng và trở nên ngày càng ít hơn, việc không có một điểm xuất phát sẽ giới hạn mọi thứ mà một người muốn có.

Học từ sách vở hay từ trải nghiệm

Nói về sách, có nhiều thể loại. Thông thường, các loại sách dùng để học phổ biến và hay được tìm kiếm ở Việt Nam là sách dạng self-help. Đây là loại sách dễ đọc bởi nó không yêu cầu bạn phải chịu khó để nghiên cứu, để hiểu và chăm chỉ làm bài tập thực hành. Sách self-help mang lại một số điểm tích cực như một dạng chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra một số quan sát trong một điều kiện nhất định (có thể rất khác với điều kiện của bạn), tạo cho bạn một sự thôi thúc và động lực để phấn đấu.

Nhưng thực sự sách dạng self-help không mang lại cho bạn một nền tảng kiến thức phổ quát. Và điều mà người ta hay gọi là “thực chiến” thực chất là đến khi các điều kiện thị trường thay đổi thì các sách self-help không dạy cho bạn biết sẽ phải làm gì. “thực chiến” có nghĩa là lao đầu vào và không biết làm gì nếu “thực chiến” không dựa trên nền tảng kiến thức chuẩn. “Thực chiến” chưa chắc đã “thực tế”.

believe in yourself personal value self worth einstein edited Bạn là chính bạn, bạn không cần phải là ai khác

Học từ những người thành công

Nếu bạn muốn thành công nhanh thì bạn đang vướng một não trạng lệch lạc và tạm bợ. Học từ người thành công là công thức dễ dụ dỗ những người vừa thiếu, vừa thèm, vừa lười biếng.

Khi gom hết tất cả những người thành công thì họ cũng chỉ chiếm chưa đến 0,1% dân số. Nghiệt nỗi, mỗi người một vẻ riêng. Đa số người đi học người thành công không có tố chất hay hoàn cảnh xuất thân nào giống người thành công, nên càng cố học thì càng đánh mất mình, rồi đến một lúc nào đó bạn chán và bỏ cuộc, sản sinh ra một thứ giở dang dở. Kết cục, mất phương hướng khi tuổi thì đã lớn…

Học theo những trường hợp đã thành công trong quá khứ

Lấy ví dụ về các công ty khởi nghiệp. Họ thành công đều trong các tình huống bối cảnh đặc thù của chu kỳ kinh tế, chu kỳ ngành, cũng như nguồn lực và năng lực doanh nghiệp. Vì thế nếu lặp lại, cho chính ông chủ đó làm lại trong hiện tại, tỷ lệ thành công cũng sẽ không cao. Nghiên cứu chỉ ra, nếu Bill Gates mở công ty sớm hơn hay muộn hơn 5 năm, chưa chắc đã thành tỷ phú.

Có rất nhiều người sau khi tìm hiểu về khởi nghiệp, họ đã cho ra đời không ít các SMEs trong hẻm, với các ý tưởng slogan hào nhoáng, biển hiệu bằng tiếng Anh được trưng ra.

Khả năng sống sót của các ý tưởng này có lẽ vô cùng nhỏ. Tốt nghiệp đại học mà nguy cơ không thành chủ và cũng không thành thợ là rất cao. Khả năng về hưu ở tuổi 30 nếu cứ theo đuổi kiểu như vậy trong thế giới hôm nay.

  • Ở Việt Nam, phần lớn những người sau khi khởi nghiệp thất bại, họ đều trở về và đi bán khoá học, trở thành một ‘coacher’.
  • Ở phương tây, một số chính trị gia sau khi rời chính trường, chúng ta có thể nhìn thấy họ đăng đàn diễn thuyết, viết sách, dạy học. Và ở một quốc gia nào đó thì ngược lại, chúng ta khó lòng được nhìn thấy họ nữa.

Đi tìm cái tôi và đam mê cá nhân bằng phép thử

Học hết bậc học xong vẫn chưa biết mình muốn gì, và bạn nghĩ ra cách: thử đi tìm đam mê trong các môi trường khác xem sao. Đi làm để thử nghiệm xem hướng nào phù hợp. Nhưng có một thực tế là trong các tổ chức lớn/nhỏ, mô hình kinh doanh của họ đã được xác lập, thường vận hành và chồng lấn thời gian của các bộ phận bên trong lên nhau tạo nên áp lực.

Khi bạn bước vào, nếu muốn ở lại nơi đó thì bạn buộc phải thích ứng và rồi sẽ bị cuốn theo. Bạn cũng sẽ không còn thời gian để nghe bâng khuâng, chân bước đi, trong lòng nghĩ suy gì nữa. Tìm được đam mê là hãn hữu. Mà có tìm ra sau dăm lần thử thì cũng lại hết động lực, nhiên liệu tuổi trẻ đã cạn.

Theo những đặc thù giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội, nhiều người dường như đang bị cuốn vào 3 xu hướng trên. Hậu quả là tư duy cũ kỹ, ý thức hời hợt, thiếu định hướng và động lực sau khi tốt nghiệp.

Sao bao nhiêu năm, học hành, rốt cuộc, ta cũng vẫn chưa biết gì….

Who am I Bạn là ai?

Học cái gì?

Học cách thành thật với bản thân và tính kỷ luật

Có những công thức đã được chứng minh, chúng ta không cần phải đi chứng minh lại lần nữa. Việc tuân thủ các nguyên tắc xã hội, công ty, gia đình, đất nước nó là một trong những nền tảng. Việc tuân thủ kỷ luật với chính mình sẽ giúp bạn đi xa hơn bạn nghĩ rất nhiều lần.

Dù bạn làm khoa học hay công nhân viên, việc tuân thủ kỷ luật sẽ giúp bạn trở thành người có nguyên tắc. Chất lượng luôn đi kèm kỷ luật. Kể cả sáng tạo đổi mới cũng vẫn cần những framework là kỷ luật và qui trình thì mới có thể đưa ý tưởng thành thực thể.

Việc thành thật với bản thân mình nghe thì dễ nhưng không nhiều người làm được. Ở Việt Nam mình, ngay từ khi sinh ra, bạn đã được nghe những câu như: Con phải thế này, em phải thế kia, cháu phải … đến khi vào tuổi đi học: Em phải làm như thế này, em phải đạt được cái kia thì mới tốt, mọi người mới vui.v.v…. tất cả những điều đó đều là thứ mà người khác muốn. Họ gán cho bạn thứ mà họ muốn bạn thực hiện, muốn bạn đạt được, không phải là thứ mà bạn thực sự muốn.

Hãy suy nghĩ: bạn đang thực sự muốn gì? Bạn có đang sống thật với bản thân mình không?

Đừng mải miết đi gánh những giấc mơ của người khác đưa cho bạn.

Học cách phát huy cái nét riêng mà chỉ mình bạn có

Bạn đã bao giờ tự hỏi: Bạn là ai? Bạn sinh ra trên cuộc sống này để làm gì? Bạn thích điều gì? Bạn không thích điều gì?

Nếu bạn tự hỏi như vậy, là bạn đang tìm về chính mình. Khi trả lời được những câu hỏi này, bạn sẽ thấy được rằng bạn có những khả năng mà không ai có. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thư thái nhẹ nhàng, khi bạn là chính bạn.

Học cách thay đổi góc nhìn.

Khi bạn đi từ địa điểm này sang địa điểm khác, mà không may bị tắc đường, bạn có nghĩ rằng nên tìm một con đường khác hay không?

Trong cuộc sống cũng vậy, mỗi người đều có nét riêng và duy nhất, nhưng lại có rất nhiều con đường khác để có thể đi đến địa điểm mà bạn muốn. Chính vì thế, nếu bạn cũng cởi mở nhận thức, cởi mở góc nhìn, bạn sẽ hiểu được những góc nhìn của người khác. Nếu bạn đã từng chơi cờ, bạn sẽ thấy rằng người ngoài cuộc luôn là người tỉnh táo nhất, họ có góc nhìn tốt nhất về mọi vấn đề mà người trong cuộc không hiểu được.

Và nếu bạn cũng dùng chính góc nhìn của người thứ ba để nhìn vào bạn, nhìn vào những mối quan hệ của chính bạn thì sao? Lúc đó, bạn sẽ nhận ra được nhiều thứ mà mình đã bỏ quên mất. Từ đó, bạn sẽ có được khả năng cực kỳ tuyệt vời: khống chế được cảm xúc.

This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.