Post

Đi làm và nghỉ việc

Đây là đôi dòng suy nghĩ và trải nghiệm của mình về việc đi làm và nghỉ việc

Ở hệ thống giáo dục tư bản, tư duy và quan niệm cá nhân thường được thúc đẩy phát triển vì nó khác biệt. Ở Việt Nam, mình không cảm nhận thấy điều đó. Sự khác biệt thường bị xem như là lập dị. Cho đến hiện tại, mình nhận thấy thế hệ Gen Z sau này đã vượt qua được cái bóng của thế hệ 8x 9x để thể hiện bản thân, bộc lộ năng lực và mạnh mẽ trình diễn cá tính. Đó luôn là những điều mà những thế hệ trẻ trước đó luôn khao khát.

Bạn có từng như vậy không?

Bạn đã từng tức giận, nóng máu đòi nghỉ việc sau khi bị sếp chửi không? Sau đó, nếu chỉ nhận lại được câu trả lời cụt ngủn khinh người kiểu: uh

Lúc đó cảm nghĩ sẽ là gì? Mình thì xoay quanh mấy câu tự ái ngây ngô:

  • Ông/Bà ta chắc gì đã tìm được ai thay thế mình.
  • Đúng là một kẻ không có tầm nhìn, không biết giữ chân nhân tài.
  • Không làm ở đây thì làm chỗ khác.
  • Mở Facebook, Zalo, viết vu vơ.

Bạn có từng như vậy không?

Mình thì có, trước 30 tuổi thì rất nhiều luôn, và có lẽ rất nhiều người khác cũng từng ít nhất một lần như vậy. Quit job

Bạn có thấy như vậy không?

Thời điểm trước 30 tuổi, sau một vài năm đi làm, mình đã từng được đánh giá là một người có năng lực, cũng tự hào lắm, lên công ty cũng hếch mặt lên dữ lắm. Bởi mình từng đi cùng những dự án thành công từ vạch xuất phát, mình cũng từng để lại những dấu ấn vang dội khi là người trực tiếp xây dựng và hoàn thiện cho doanh nghiệp đó.

Và khi rời đi, mình được sếp chia sẻ câu đạo lý: “chỉ giữ người muốn ở lại”. Mình đã rút ra được đôi dòng học phí thế này:

  • Trong doanh nghiệp, bất kỳ ai cũng có thể bị thay thế, ngay cả sếp. Xếp sau sếp còn có Owner – doanh nghiệp cổ phần với cấu trúc cổ đông. Vì thế, mình không là người quan trọng, càng không là trụ cột trong công ty … Ngày mà mình có suy nghĩ rằng mình là người quan trọng cũng là ngày sếp mình nhìn thấy đó là rủi ro.
  • Khi bị chỉ trích trong công việc, liền muốn nghỉ việc. Hành động đó không khác gì một đứa trẻ con giãy nảy khi bị người lớn răn. Sau này, khi đi làm ở nhiều môi trường chuyên nghiệp hơn, bản thân có bản lĩnh hơn và khi nhìn lại: mình đã đề cao cái tôi cá nhân quá mức.
  • Đi làm, không thể nào tránh được khó khăn: môi trường, áp lực từ đồng nghiệp, ma cũ ma mới; nếu ở level manager thì còn là câu chuyện trên đe dưới búa, xung quanh là sài lang luôn sẵn sàng “dậu đổ bìm leo” … Dù là doanh nghiệp tư bản đỏ hay tư nhân, FDI hay global thì cũng sẽ gặp lại. Nếu chịu không được thì về quê nuôi chó trồng rau, hết tiền thì xin người nhà. Và khi cứ chối bỏ chạy trốn, thì mình sẽ phải chạy mãi chạy mãi. Công ty nào cũng có những vấn đề của nó. Và những vấn đề đó đều xuất phát từ con người. Cơ mà, khi đã đối mặt được thì đi đâu, bạn cũng sẽ không còn sợ nữa. Đó cũng là cách đã thay đổi mình.
  • Một tính cách tốt quan trọng hơn cả việc sở hữu năng lực tốt. Ai đi làm cũng thường được nghe câu đạo lý liên quan: Thái độ/trình độ. Trong hoạt động tuyển dụng, phần lớn các doanh nghiệp đều đề cao việc chọn được người phù hợp quan trọng hơn là tìm ra được người giỏi. Suy cho cùng, công việc hoàn thành suôn sẻ nhất là khi sự hợp sức của tập thể gắn kết nhất.
  • Trước tuổi 30, nếu có thể, mình sẽ chọn những nơi trả mình nhiều lương nhất có thể. Bài học kiểu gì cũng phải học, đón nhận nó khi có học phí sẽ tốt hơn là vừa ấm ức vừa lãng phí thời gian bị vùi dập. Sau 30, những va vấp rồi sẽ giúp mình nhận ra mình thích làm gì, hợp với cái gì. Đó cũng là lúc mình nên toả sáng.

Bạn có thấy như vậy không?

Lối đi nào cho chính ta?

Bước vào cuộc sống, mình đã cảm nhận được vô số điều đáng để gọi là bất công. Nếu may mắn, chúng ta có thể gặp một người sếp ít nói đạo lý, có “tâm”, nhưng trái khoáy là thường thì chúng ta sẽ không nhận ra điều đó khi còn làm việc cùng nhau. hah!

Kém may hơn, khi sếp thuộc tuýp diễn viên, lời thoại sặc màu đạo lý; khi vấp phải mâu thuẫn với sếp, mình quan sát thấy mọi người thường có những lựa chọn sau:

  1. Nghỉ việc khi quá áp lực.
  2. Chấp nhận. Im lặng làm một zombie công sở, đợi hết giờ đi về.
  3. Chấn nhận. Thể hiện sự khó chịu trên công ty, về nhà thì nức nở thút thít với ai đó.
  4. Giãy! Bật ngược lại, phản ứng chứng tỏ bản lĩnh Đúng là đúng, sai là sai.
  5. Tức giận, để đó đợi tìm điểm yếu và công kích làm một bài học cho sếp.

Thôi việc

Còn lựa chọn nào khác không?

Có thể có hoặc không.

Nhưng, bạn có để ý?

Tất cả những lựa chọn trên đều là bị động. Chúng chỉ khác biệt ở việc thay đổi góc độ tiếp nhận vấn đề. Ai cũng đều thấy được vế sau của những lựa chọn trên. Nhưng làm gì và làm thế nào thì chỉ bạn mới biết. heh!


Người sếp tuyệt vời đầu tiên của mình từng nói:

”Khó khăn là để vượt qua, không phải để từ bỏ”.

Nếu đã vượt qua được một lần, thì dù có gặp lại ở biến thể nào thì nó cũng đều không làm khó được nữa.

Tuy nhiên, nếu còn con đường khác để đi trong sự nghiệp, vậy khi nghỉ việc, cũng nên nghỉ việc một cách chuyên nghiệp.

Khi ra đi, những gì để lại có thể là sự luyến tiếc… cũng có thể là một cái thở phào của ai đó!

This post is licensed under CC BY 4.0 by the author.